KHÔNG GIAN TRẢI NGHIỆM TIÊM TRẦU - NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC TẠI KHU MỘ BÀ HOÀNG THỊ LOAN
Têm trầu, ăn trầu là phong tục có từ
ngàn đời nay của dân tộc ta. Vì thế mà câu nói "Miếng trầu là đầu câu
chuyện" đã được ông cha ta lưu truyền từ đời này sang đời khác. Miếng trầu
đã gắn liền với đời sống của người dân đất Việt, mang đậm dấu ấn văn hoá Việt.
Miếng trầu không những là lễ vật để dâng cúng lên tổ tiên, ông bà mà còn là thứ
không thể thiếu trong những việc như giao hiếu, kết thân, lễ tế, cưới hỏi...Đối
với mỗi người con đất Việt, hẳn ai cũng đã từng lớn lên quanh câu chuyện kể của
bà, của mẹ về "sự tích trầu cau" - ẩn chứa trong đó là câu chuyện
chung về triết lý nhân sinh, văn hoá giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng về sự
biểu đạt giữa người với người thông qua miếng trầu, gắn kết tình thân, gia
đình, bè bạn... Theo truyền thuyết và thư tịch, tục têm trầu và ăn trầu có từ
thời vua Hùng dựng nước. Bởi vậy trong tiềm thức và phong tục của người Việt,
miếng trầu đi liền với lời chào, lời thăm hỏi, kết nối những con người xa lạ
xích lại gần với nhau hơn, nghĩa tình, vị tha hơn để có cuộc sống chan hoà hạnh
phúc.
Cách têm trầu cũng không quá phức tạp,
lá trầu cuộn tròn nhiều vòng, dùng chìa vôi để quét vôi lên lá trầu, người ta
gài cuống lá vào giữ cho lá không bị bung ra. Quả cau tươi hoặc khô bổ cả hạt
thành từng miếng. Tuy nhiên, trải qua bao biến đổi của xã hội, tục têm trầu và
ăn trầu ngày nay đã không còn được duy trì sâu rộng như ngày xưa, nhất là ở đô
thị, thành phố mà nó chỉ hiện hữu ở trong cuộc sống của những người dân các
vùng nông thôn. Để góp phần làm sống dậy phong tục truyền thống của dân tộc,
hiện nay tại Khu mộ bà Hoàng Thị Loan thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho tái
hiện lại không gian têm trầu tại cổng lên khu mộ. Với mục đích tái hiện lại
khung cảnh và các vật dụng dùng để têm trầu nhằm giúp cho quý du khách gần xa
về thăm viếng khu mộ bà Hoàng Thị Loan có cơ hội được trải nghiệm, ôn lại phong
tục têm trầu của các bà, các mẹ ngày xưa, đồng thời có thể tự tay têm những
miếng trầu đẹp mắt làm lễ vật vô cùng ý nghĩa để kính dâng lên phần mộ những
người thân trong gia đình Bác Hồ.
Ngoài ra, trong thời đại hiện nay thế
hệ trẻ như chúng ta, ít ai biết được cách têm trầu và ăn trầu. Vì vậy, với
không gian nhỏ bé này chúng tôi hy vọng sẽ phần nào góp phần tuyên truyền, giáo
dục nhắc nhở thế hệ hôm nay giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như ý
nghĩa thực hành tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người Việt. Về thăm khu mộ hôm
nay, đúng vào dịp lễ giỗ lần thứ 123 bà Hoàng Thị Loan thân mẫu Bác Hồ. Chị
Hoàng Thị Sáu, phường Đội Cung (Thành phố Vinh) chia sẻ: Tôi vẫn nhớ như in
hình ảnh bà nội ngồi bổ cau trước hiên nhà, bà thường ăn trầu với vỏ cây chay.
Chị em chúng tôi, giành nhau giã trầu cho bà vì răng bà đã yếu. Nay hồi ức lại
dâng trào.... Trong xã hội xưa, cách thức têm trầu là một trong những tiêu chí
đánh giá phẩm hạnh, biểu đạt sự đảm đang của phụ nữ. Khi đến hỏi vợ, nhà trai
thường xem con dâu têm trầu như thế nào, miếng trầu được têm đẹp mắt, hài hòa
thể hiện người phụ nữ khéo léo, tỉ mỉ, biết đong đếm, chu toàn. Têm trầu cũng
là một nghệ thuật và nhiều người học cách têm trầu cánh phượng.
Trầu cau đã gắn bó với người Việt rất
sâu sắc, vượt lên thói quen hằng ngày, trở thành một nét đẹp văn hóa mang đậm
chất Việt. Trong thực hành tín ngưỡng, nghi lễ tâm linh như: Lễ tế trời đất, lễ
Phật, lễ thánh, thần, lễ gia tiên…, trầu cau là lễ “đầu” của các lễ nghĩa, vào
mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp, trong mâm lễ dâng lên không thể thiếu quả cau, lá
trầu. Đây là nét đẹp văn hóa của người Việt từ xưa đến nay, thể hiện sự tri ân
đối với các bậc tiền nhân.