image banner
Văn hóa - Lịch sử
Lượt xem: 289
Xã Nam Giang nằm ở phía Đông bắc của huyện Nam Đàn, một vùng “địa linh nhân kiệt” với những cảnh đẹp kỳ quan. Phía trước có Quốc Lộ 46 chạy qua, phía sau là đoạn cuối của dãy núi Đại Huệ bao quanh. Trên dãy núi này ẩn chứa nhiều di tích lịch sử.

    Xã Nam Giang nằm ở phía Đông bắc của huyện Nam Đàn, một vùng “địa linh nhân kiệt” với những cảnh đẹp kỳ quan. Phía trước có Quốc Lộ 46 chạy qua, phía sau là đoạn cuối của dãy núi Đại Huệ bao quanh. Trên dãy núi này ẩn chứa nhiều di tích lịch sử. Ông Phan Sỹ Tư, nguyên Cán bộ tiền khởi nghĩa đã từng viết một bài thơ như sau:

Rú dẻ là đây nhớ tích xưa

Nền vua thuở thước ắt thành đô

Nhà trò bãi ấy sân ca vũ

Rú bụt nơi kia chỗ phụng thờ

Yên ngựa bằng này nơi xuất trận

Dẻ thần đất nọ trốn quân cơ

Ngọn cờ Xô Viết tầng U Nhất

Lịch sử kế truyền lão điểm tô.

Trên lưng núi Động Tranh của dãy Đại Huệ khu vực thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là nơi an táng bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ chỗ chỉ đơn thuần là một ngôi mộ thì khu vực này đã được đầu tư xây dựng thành một khu tưởng niệm rộng lớn, liên kết với Khu di tích Kim Liên, khu lăng mộ Mai Hắc Đế tạo thành một quần thể di tích lịch sử. Hàng năm, đã có hàng chục triệu lượt du khách trong và ngoài nước về đây thăm viếng tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn bà Hoàng Thị Loan.

Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan

Về đời sống văn hoá tinh thần của người dân Nam Giang cũng rất phong phú. Sinh hoạt tôn giáo đến với người dân Nam Giang sớm, từng có sự tồn tại của cả Nho, Phật và Đạo. Về tín ngưỡng, người dân Nam Giang thờ cúng ông bà tổ tiên, hầu hết mỗi họ đều có nhà thờ họ. Toàn xã hiện nay có trên 100 dòng họ, trong đó có 30 nhà thờ lớn. Một số dòng họ lớn hiện nay như dòng họ Phan Trọng, Phan Sỹ, Bùi Đình …

Tín ngưỡng thờ Thần thành hoàng cũng phổ biến ở Nam Giang. Đền thờ thần hoàng làng tiêu biểu trên địa bàn xã là đền Độc Lôi. Đền Độc Lôi, xưa kia là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh không chỉ riêng của xã Hữu Biệt mà còn của các xã lân cận trong vùng. Nguyên xưa đền được xây dựng dưới chân rú Mượu. Thời vua Lý Nhân Tông (1076-1084) đền thuộc Kẻ Sáo, huyện Hoan Đường, châu Nghệ An. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, di tích thuộc làng Cốc, xã Hữu Biệt, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1968, đền Độc Lôi bị bom Mỹ đánh phá, nhân dân chuyển các công trình của đền và các đồ thờ, tượng về cất giữ ở nhà Thánh của làng Hữu Biệt để cất giữ, vị trí đền chỉ còn nền móng. Đến năm 1995, chính quyền và nhân dân đã phục hồi lại đền Độc Lôi tại vị trí hiện nay, cách vị trí cũ chừng 3km về phía Tây, thuộc xóm 3, xã Nam Giang.

Các phong tục như tôn trọng người già, hiếu thảo cha mẹ được nhân dân đặt lên hàng đầu bởi truyền thống trọng lão là một trong những bản sắc văn hóa cao đẹp của người Việt Nam từ xưa đến nay. Các sinh hoạt văn hoá, lễ hội ở Nam Giang rất phong phú và đa dạng, các trò chơi dân gian, các lễ hội mùa xuân, các điệu hát tuồng, hát đối, hát phường vải. Đặc biệt là hàng năm tổ chức lễ hội đền Độc Lôi vào dịp rằm tháng 3 âm lịch. Các sinh hoạt văn hóa tuy đơn giản nhưng lại thắm được tính truyền thống của văn hóa dân tộc và cũng mang sắc thái riêng của địa phương.

Xã Nam Giang được thành lập dựa trên đơn vị hành chính xã Hữu Biệt cũ. Qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, đã từng tồn tại 9 làng gồm làng Kẻ Gốm, làng Cộ, làng Rú, làng Ngãi, làng Quanh, làng Cốc, làng Bùi, làng Bạch, làng Đồng Dốc. Cả 9 làng trên đều được hình thành dọc hai bên kênh Đa Cái (sông Đào nay). Ngoài 6 làng tàn lụi, 1 làng  chuyển sang xã Kim Liên, xã Nam Giang ngày nay chỉ còn tồn tại làng Bùi, làng Bạch với một số dân cư vùng khác sống xen kẽ.

Nhân dân Nam Giang đã từng chứng kiến biết bao thành quả lao động, sản xuất, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của các thế hệ người dân quê Bác. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, rừng Nam Giang là nơi để các anh hùng hào kiệt lập căn cứ chống giặc ngoại xâm và bọn quan lại phong kiến. Trong kháng chiến chống pháp, chống Mỹ, Nam Giang là nơi cất trữ quân lương, vũ khí đạn dược phục vụ các chiến trường. Suốt quá trình phát triển, các thế hệ cư dân Nam Giang luôn có truyền thống cần cù, sáng tạo, hiếu học và tinh thần cách mạng cao, điều đó đã tạo nên những giá trị văn hóa lớn, thể hiện từ đời sống vật chất tinh thần cho đến các mối quan hệ xã hội và thiết chế làng xóm. Hiện nay, Nam Giang đang trở thành trọng điểm phát triển kinh tế văn hóa của huyện Nam Đàn.

UBND xã Nam Giang

TIÊN LIÊN QUAN
Không có dữ liệu
BẢN ĐỒ XÃ NAM GIANG - HUYỆN NAM ĐÀN

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner