image banner
Bà Hoàng Thị Loan - Người mà mọi người từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi ghi ơn
Lượt xem: 1226
Ngày 1/2/2024 (nhằm ngày 22 tháng Chạp năm Quý Mão), tại Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền cùng nhân dân xã Nam Giang thành kính dâng hương nhân dịp Lễ giỗ lần thứ 123 của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh
Anh-tin-bai

Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn).

Một đóa sen đời

Cái se lạnh của những ngày giáp Tết, quyện với mùi hương trầm thoang thoảng. Tôi lặng lòng trước mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại! Hôm nay là ngày giỗ của bà.

Những thanh âm thật sự đã quen thuộc cho những ai đã từng lên dừng chân bên núi Động Tranh: “Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm/ Giữa bùn đen mà hoa sen thắm nở/ Chiếc võng gai che nghiêng khung cửi lụa/ Mẹ ru con trong tiếng thoi đưa...”.

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Chùa, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An (nay là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Cả hai gia đình nội, ngoại của bà đều giàu lòng thương người, trọng nghĩa khí, có cách nhìn tân tiến trong cuộc sống, vượt ra ngoài sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến đương thời. Chính bởi thế mà ngay từ khi sinh ra đến suốt cuộc đời, bà Loan vẫn khiến người đời ngưỡng mộ bởi tài, đức vẹn toàn.

 Lớn lên trong sự bao bọc và giáo dục của một gia đình tiến bộ, lại sống tại vùng quê giàu truyền thống văn hóa, bà Loan tiếp thu các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất nhanh, không chỉ thuộc nhiều điệu hò câu ví mà sự am hiểu của bà về các loại hình này cũng không ai bì kịp. Nổi tiếng với dung nhan xinh đẹp, duyên dáng, tình tình luôn nhã nhặn, nết na và cởi mở hết với tất cả mọi người, bà Loan còn được biết đến là một thiếu nữ chăm chỉ việc đồng áng và là một trong ít những thợ dệt lụa có tiếng trong vùng ngày đó.

Vượt lên những quan niệm cổ hủ của xã hội lúc bấy giờ, bà Hoàng Thị Loan đem lòng yêu thương và kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc - một người mồ côi cả cha lẫn mẹ được cụ tú Hoàng Xuân Đường (thân sinh bà Loan) xin về nuôi từ bé. Nhận thấy tư chất thông minh, chịu thương chịu khó của ông Nguyễn Sinh Sắc, cụ Hoàng Xuân Đường đã tác hợp cho ông bà nên duyên. Từ đó, ông Nguyễn Sinh Sắc được học tập trong tình yêu và sự giúp đỡ hết lòng của người vợ trẻ. Tình yêu, sự đảm đang, tháo vát và sự hy sinh thầm lặng cho gia đình của bà Hoàng Thị Loan là nguồn động viên lớn lao, cơ sở vững chắc trên con đường cử nghiệp của ông.

Anh-tin-bai

 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền cùng nhân dân xã Nam Giang thành kính dâng hương

Anh-tin-bai

 

Người mẹ Việt Nam tiêu biểu cho tấm lòng nhân hậu...

Năm 1895, bà Hoàng Thị Loan cùng chồng và hai con vào kinh đô Huế để giúp chồng theo đuổi con đường cử nghiệp. Năm Canh Tý (1900), bà sinh thêm người con thứ 4 là cậu Nguyễn Sinh Xin. Sinh con trong hoàn cảnh thiếu thốn, chồng và con trai lớn đang vắng nhà, bà phải lao động sớm, nên bị lâm bệnh nặng, sức khỏe quá yếu. Ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10/2/1901), bà Hoàng Thị Loan đã trút hơi thở cuối cùng, về cõi vĩnh hằng khi mới 33 tuổi. Bà được bà con, làng xóm và cậu Nguyễn Sinh Cung đưa tới nơi an nghỉ tại núi Tam Tầng, bên dòng Hương Giang, ở kinh thành Huế. Năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh đã đưa hài cốt bà về an táng tại vườn nhà ở Làng Sen. Năm 1942, cậu Nguyễn Sinh Khiêm chọn núi Động Tranh, ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của bà. Bằng vốn hiểu biết văn hóa dân gian phong phú, cùng những câu hò, điệu ví, và qua những lời ru ngọt ngào... bà đã truyền tới các con tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái bao la. Chính trái tim nhân hậu, sự cần cù, chịu thương chịu khó, đức hi sinh cao cả ở bà đã có tầm ảnh hưởng lớn đến đạo đức, phong cách của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người mẹ ấy đã đi xa, nhưng trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt, bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là người mẹ Việt Nam tiêu biểu cho tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh cao cả, đẹp người, đẹp nết và đẹp trí tuệ. Tưởng niệm 123 năm ngày mất của Bà, ai trong chúng ta đều có chung một suy nghĩ giống như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết khi về thăm viếng mộ Bà: "Tôi xinbày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Cụ - người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam, người mà mọi người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi ghi ơn!". 

 

 

BẢN ĐỒ XÃ NAM GIANG - HUYỆN NAM ĐÀN

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner