image banner
Sau khi sơ cứu ngộ độc thực phẩm, người bệnh nên ăn uống thế nào?
Lượt xem: 66
Sau khi nôn ói nhiều, tiêu chảy nhiều cơ thể dễ bị mất nước, chất điện giải khiến người mệt mỏi, nên cho người bệnh uống nước (uống dần dần), nghỉ ngơi; ăn thức ăn mềm, dễ tiêu để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày và ruột

Ngộ độc thực phẩm, khi có những biểu hiện khác thường liên quan đến việc ăn, uống một thực phẩm nào đó; thực phẩm vừa ăn, uống có mùi vị lạ, ôi thiu, quá hạn sử dụng… 

"Tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, loại độc tố, mà triệu chứng ngộ độc có thể xảy ra ngay hoặc nhiều giờ sau đó, nó có thể dao động từ ít nhất là 30 phút đến lâu nhất là 8 tuần. Những triệu chứng và biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi và thiếu năng lượng, đau cơ, đau đầu, ớn lạnh…"

Trường hợp ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng nặng sau đây cần đến cơ sở y tế điều trị ngay để tránh đe dọa đến tính mạng: Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, đau bụng dữ dội; nôn mửa thường xuyên, nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu, nước tiểu có máu; sốt cao hơn 38,9 độ C; các dấu hiệu mất nước nặng (mắt trũng, khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu...); cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt, tay hoặc chân lạnh, thở nhanh hoặc thở dốc, tụt huyết áp…

Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm?

Đối với bệnh nhân còn tỉnh táo: Ngưng ăn uống thực phẩm ngay. Dùng tay đã rửa sạch đặt vào đáy lưỡi người bệnh để kích thích phản xạ gây nôn. Khi tiến hành kích thích gây nôn cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu hoặc ngồi đầu cúi thấp hơn ngực, để chất nôn không bị trào ngược vào phổi.

Đối với bệnh nhân ngộ độc không tỉnh táo, hôn mê, co giật: Không kích thích nôn vì dễ gây hít sặc, nghẹt thở. Đặt người bệnh nằm nghiêng an toàn để đường thở thoáng, không hít sặc đờm dãi vào phổi. Nếu người bệnh bị ngừng thở, ngừng tim, hãy hô hấp nhân tạo, gọi người hỗ trợ, cấp cứu ngay.Sau khi sơ cứu, hãy đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để tùy triệu chứng mà có hướng xử lý hợp lý. Giữ lại các mẫu thực phẩm nghi ngờ khi nghi hóa chất, độc tố tự nhiên, nhiều người cùng bị, để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc và có cách xử lý phù hợp.

Bổ sung nước cho bệnh nhân sau khi sơ cứu ngộ độc

Ăn uống gì sau khi sơ cứu?

Sau khi nôn ói, tiêu chảy nhiều cơ thể dễ bị mất nước, chất điện giải khiến người mệt mỏi, nên cho người bệnh uống nước (uống dần dần) và nghỉ ngơi. Uống Oresol thay nước, khi còn khát, sốt hoặc tiêu chảy và theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày và ruột. Bổ sung các loại thực phẩm chứa lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa như yaourt, sữa chua, men tiêu hóa…

Hạn chế uống nước đường, thức ăn béo, đồ chua cay... vì sẽ dễ gây đầy hơi, chướng bụng.

Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là bí quyết phòng tránh ngộ độc thực phẩm:

Chọn lựa thực phẩm đảm bảo, rõ nguồn gốc, còn hạn sử dụng.

Bảo quản thực phẩm đúng cách, từ thực phẩm chưa chế biến (đông lạnh, ướp muối...) hoặc đã chế biến (đậy, dằn, hâm, ướp lạnh).

Giữ vệ sinh trong khâu chế biến, khi ăn uống. Phải vệ sinh tay trước khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn uống. Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, dụng cụ ăn uống. Khi nấu nướng chế biến thức ăn, cần dùng riêng các dụng cụ.

Sơ chế, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, đúng cách. Sử dụng nguồn nước sạch. Chọn hàng quán ăn ở ngoài cần uy tín, cẩn thận khi ăn uống ở hàng quán bên ngoài.

Phương châm cần lưu ý là "ăn chín, uống sôi", ăn, uống thực phẩm đã chín kỹ.

Khi đi du lịch, nên ăn lượng vừa phải để cơ thể thích nghi dần, chỉ nên uống nước đóng chai.

Ngoài ra, có một số loại vắc xin có thể giúp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Vắc xin Rota được tiêm cho trẻ sơ sinh như một phần của quá trình tiêm chủng cho trẻ khi còn nhỏ. Còn có các loại vắc xin khác có thể được khuyến nghị sử dụng trước khi đi du lịch nước ngoài.

Ban ATTP xã Nam Giang

BẢN ĐỒ XÃ NAM GIANG - HUYỆN NAM ĐÀN

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner